Lượt xem: 240

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khảo sát tình hình hạn mặn tại Sóc Trăng

Sáng ngày 10-2, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Sóc Trăng về tình hình hạn mặn và vấn đề nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

    Tiếp đoàn có các đồng chí: Phan Văn Sáu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; Trần Văn Chuyện - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Hiểu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh Ngọc Thơ

    Theo nhận định của Tổng Cục khí tượng thủy văn và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Mức độ xâm nhập mặn các cửa sông Cửu Long có ranh mặn 4g/lít xâm nhập sâu vào từ 40 - 55 km (tính từ cửa sông), mặn xâm nhập vào sâu hơn từ 10 - 15 km. Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến sớm hơn khoảng 01 tháng và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm (cả về nồng độ và chiều sâu xâm nhập mặn vào nội đồng).  Hiện tại độ mặn cao nhất tại trạm Trần Đề: 21g/l; Long Phú: 16,9g/l; Đại Ngãi 11,3g/l; An Lạc Tây 7g/l, (so với năm 2016, độ mặn tại Đại Ngãi tăng 0,3g/l; An Lạc Tây tăng 2,2g/l); xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng khoảng 40-55 km (so với năm 2016 tăng 10 - 15 km). Bắt đầu từ nửa cuối tháng 11-2019 đến ngày 05-02-2020, vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhật đã gặp khó khăn trong việc lấy nước ngọt bổ sung do độ mặn tại Đại Ngãi thường xuyên vượt mức 2,0g/l. Vùng dự án Kế Sách, tại An Lạc Tây vào những ngày triều cường, độ mặn cũng vượt mức 2g/l. Nước trong các kênh bị cạn, vận chuyển lúa rất khó khăn, giá thành tăng.

    Rút kinh nghiệm bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn mùa khô 2015 - 2016, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp chủ động phối hợp các địa phương tăng cường công tác dự báo, quan trắc môi trường, vận hành đóng, mở các cống không để mặn xâm nhập nội đồng, khuyến cáo nông dân không sản xuât lúa vụ 3 những nơi điều kiện nguồn nước khó khăn; vụ Đông Xuân xuống giống sớm hơn đảm bảo thu hoạch trước Tết Nguyên đán 2020 để tránh bị mặn. Tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, giống lúa chịu mặn và làm 2 vụ để đảm bảo an toàn. Đến ngày 06-02-2020 tỉnh đã xuống giống được 197.068 ha/KH 330.000 ha, thu hoạch 80.917 ha, năng suất bình quân là 6,27 tấn/ha, sản lượng 507.757 tấn (vụ mùa 11.682 ha/KH 174.700 ha, đã thu hoạch được 69.512 ha, năng suất bình quân 6,37 tấn/ha). Do tỉnh có sự chủ động ngay từ đầu nên diện tích lúa trong kế hoạch chỉ đạo xuống giống không bị thiệt hại. Tuy nhiên người dân xuống giống vụ 3 (không theo khuyến cáo) có khoảng 1.000 ha bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn. Riêng đối với các loại cây trồng, vật nuôi khác cơ bản không bị ảnh hưởng. Để ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020 và trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình Chính phủ hỗ trợ tỉnh triển khai ngày các công trình cấp thiết nhằm khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn với tổng số vốn dự kiến khoảng 1.368 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư khẩn cấp 03 trạm bơm, trước cống Bà Xẩm, Cái Oanh, Cái Xe để bơm bổ sung nước ngọt cho vùng Long Phú - Tiếp Nhật (tại 02 huyện Long Phú, Trần Đề), đầu tư nạo vét hệ thống các kênh trục tạo nguồn để trữ ngọt tại các huyện, đầu tư xây dựng cống Long Phú.

Đoàn công tác kiểm tra thực tế cống Bà Xẩm. Ảnh Ngọc Thơ

    Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những giải pháp ứng phó hạn mặn  mà Sóc Trăng đã triển khai trong thời gian qua, đồng thời đề nghị tỉnh cần chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông đưa các giống lúa ngắn ngày để bà con chủ động bố trí sản xuất, không nên vội vàng xuống giống tôm nước lợ mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình quan trắc.  Riêng 24.500 hộ có khả năng bị ảnh hưởng nước sạch sinh hoạt nếu hạn mặn kéo dài, Bộ trưởng đề nghị tỉnh nên linh hoạt khuyến khích bà con thực hiện giải pháp tạm thời là khoan giếng nước trước khi các công trình cấp nước được hoàn thiện, Bộ trưởng nhấn mạnh “tuyệt đối không để hộ nào bị thiếu nước ngọt”.

    Sau buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã có buổi khảo sát thực địa, kiểm tra một số công trình thủy lợi ứng phó hạn, mặn trên địa bàn tỉnh.
Ngọc Thơ


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 52
  • Hôm nay: 125
  • Trong tuần: 70,552
  • Tất cả: 11,802,559